Từ đầu năm đến nay, Ninh Bình có gần 5.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp. Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình ra quyết định cho hơn 4.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền 54 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhà máy, xí nghiệp tại Ninh Bình ngừng sản xuất, đóng cửa, thu hẹp sản xuất khiến hàng nghìn công nhân, người lao động tại tỉnh này bị thất nghiệp, nhiều nhất là từ tháng 4 - 7/2020.

Vì thế, số người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình (Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình) làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp tăng đột biến.

Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình chia sẻ: "Trước đây mỗi ngày chỉ có khoảng 50 - 100 người đến làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau khi có dịch Covid-19, bình quân mỗi ngày trung tâm tiếp đón từ 200 - 500 người đến giải quyết chế độ chính sách thất nghiệp và tìm kiếm thông tin thị trường lao động".

Ninh Bình: Hơn 54 tỷ đồng chi trả trợ cấp thất nghiệp cho gần 5.000 người - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình nơi "cứu cánh" cho nhiều lao động thất nghiệp.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình đã tiếp nhận gần 5.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp.

Đến nay, trung tâm đã thẩm định hồ sơ trình lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình ra quyết định cho 4.361 người đủ điều kiện hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền đã tri trả trợ cấp thất nghiệp là hơn 54 tỷ đồng.

“Trung tâm chỉ có 12 nhân sự định biên, chia nhau làm việc ở 2 địa điểm là trụ sở chính và văn phòng chi nhánh ở huyện Yên Khánh nên rất vất vả. Hàng ngày, cán bộ của Trung tâm phải thường xuyên làm thêm, ngoài giờ để kịp thời tư vấn giới thiệu việc làm và tăng cường hỗ trợ giải quyết kịp thời cho nhân dân và người lao động được nhanh chóng hưởng trợ cấp thất nghiệp”, ông Tùng nói.

Ninh Bình: Hơn 54 tỷ đồng chi trả trợ cấp thất nghiệp cho gần 5.000 người - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Đông đảo người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp trong những tháng qua.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình cho biết thêm, trước khối lượng công việc lớn phải giải quyết, các cán bộ, nhân viên của trung tâm đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn. Ngoài giúp người lao động sớm được hưởng trợ cấp thất nghiệp còn tư vấn họ sớm quay lại thị trường lao động để sớm ổn định cuộc sống.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình đã tổ chức, hướng dẫn hoạt động tra cứu, tìm kiếm thông tin thị trường lao động tại sàn giao dịch việc làm và các ngày làm việc trong tuần thông qua trang Wed và qua điện thoại.

Ngoài ra, trung tâm còn đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền rộng rãi với mong muốn trực tiếp cung cấp thông tin, mục đích ý nghĩa của phiên giao dịch việc làm; đưa thông tin về thị trường lao động trong nước và nước ngoài đến gần với người lao động, tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động có cơ hội gặp gỡ, phỏng vấn trực tiếp và ký kết hợp đồng tuyển dụng lao động.

Ninh Bình: Hơn 54 tỷ đồng chi trả trợ cấp thất nghiệp cho gần 5.000 người - 3
 

Nhấn để phóng to ảnh

Người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp được giới thiệu học học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp.

Đến hết tháng 9/2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình đã tư vấn cho gần 16.000 lượt người. Có 282 lượt doanh nghiệp đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng tại Sàn với trên 33.400 lượt chỉ tiêu tuyển dụng. Trung tâm đã tổ chức thành công 8 phiên giao dịch việc làm hàng tháng và 2 phiên giao dịch việc làm chuyên đề trọng điểm.

Thông qua hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đến hết tháng 8/2020, tổng số lao động Trung tâm giới thiệu tuyển dụng được 935 người, đạt 71,9% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Số người hưởng chính sách Bảo hiểm thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm, ban hành quyết định chấm dứt có việc làm, bảo lưu thời gian đóng Bảo hiểm thất nghiệp, số người được tư vấn quay lại thị trường lao động là 405 người.

Ông Lã Thanh Tùng chia sẻ thêm: "Hiện nay công tác dạy nghề cho lao động thất nghiệp đang còn nhiều hạn chế. Trong tổng số hàng nghìn người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp của địa phương chỉ có 21 người tham gia học nghề và được hỗ trợ, với số tiền đã hỗ trợ học nghề là gần 100 triệu đồng".

Ninh Bình: Hơn 54 tỷ đồng chi trả trợ cấp thất nghiệp cho gần 5.000 người - 4
 

Nhấn để phóng to ảnh

Cán bộ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình giải thích tận tình, chu đáo để người lao động sớm được nhận trợ cấp thất nghiệp, sớm quay lại thị trường lao động để sớm ổn định cuộc sống.

“Công tác dạy nghề cho lao động thất nghiệp còn nhiều hạn chế nguyên nhân là do mức trợ cấp đào tạo nghề cho người lao động chuyển đổi nghề nghiệp thấp, không đủ chi phí cho người lao động tham dự các lớp học. Mức trợ cấp đào tạo nghề chỉ có 1 triệu đồng/người/tháng và không quá  6 tháng”, ông Tùng cho hay.

Cũng theo ông Tùng, mức hỗ trợ như vậy rất khó đáp ứng và thu hút người lao động học nghề. Bởi đa số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đều là lao động phổ thông, họ cần trợ cấp ngay nên vừa đi học nghề mà phải chi trả thêm chi phí thì rất khó khăn nên không mấy người mặn mà.

Ninh Bình: Hơn 54 tỷ đồng chi trả trợ cấp thất nghiệp cho gần 5.000 người - 5
 

Nhấn để phóng to ảnh

Các bảng tin của Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình thường xuyên có các thông tin tuyển dụng để người lao động thất nghiệp tìm hiểu, sớm tìm được việc làm mới.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình cho biết thêm về quy trình tư vấn đăng ký học nghề cho lao động thất nghiệp. Khi lao động đến làm hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được tư vấn những ngành nghề cụ thể và các mức hỗ trợ, người lao động có muốn tham gia hay không là hoàn toàn tự nguyện và không ép buộc.

“Thời gian tới, để công tác dạy nghề cho lao động thất nghiệp có hiệu quả, trung tâm sẽ tiếp tục tuyên truyền, đề suất tăng thêm mức trợ cấp học nghề cho người lao động thất nghiệp vì mức trợ cấp như hiện nay chủ yếu đáp ứng được học nghề ngắn hạn hay các lớp sơ cấp ngắn hạn.
Trích nguồn: Thái Bá (dantri.com.vn)